Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Nhớ Về Gánh Đậu Hũ Phường Đệ Tứ


                  "triêng" đậu hũ                       
   Gánh hàng đậu hũ Huế và Quảng trị của các o không khác gì nhau. Một đầu là hũ đậu, nó được bao quanh một lớp vải rơm để giữ nóng. Phía đầu gánh khác là cái thùng gỗ đựng những thứ cần thiết như chén muỗng , đường , chanh hay vài thứ linh tinh khác. Thau nước rửa chén nằm dưới, vài miếng lá chuối giữ nước khỏi chao. Tôi không biết miêu tả thế nào cho tận tường gánh hàng đậu hũ, nhưng có điều tôi chưa quên là tiếng rao mỗi lần ngang ngõ 
    - ai ... đậu hũ !? 
 Cũng chiếc áo dài bạc màu đó, cũng cái nón đã đổi màu xam xám và dáng gánh nhẹ nhàng của o mọi ngày không hề thay đổi.
  Xóm Cửa Hậu tôi thật lạ ; không kêu thì thôi, nếu có người kêu o lại, thế là con nít người lớn đều tụ lại mua thêm.  Có thể ăn đông người vui hơn , đỡ "ô ngai" hơn. Có vài người cùng ăn tự nhiên ai cũng thấy vui , quên bẵng đi không khí oi nồng mùa hạ. O  múc đậu vào chén sao thật khéo. Nhẹ nhàng o vớt từng lát đậu mỏng manh nóng hổi vào chén. Xong, o thêm muỗng đường cát trắng tinh , một múi chanh nhỏ xíu. Thật chính xác , không dư không thiếu. Ngó vậy mà o đáp ứng nhanh không làm cho người khác phải đợi chờ lâu. Những lúc này, cử chỉ của O sao uyển chuyển , nhịp nhàng không dư mà chẳng thiếu. Một đời buôn gánh bán bưng, thân quen trong mọi ngã đường thôn xóm.
Nhà nào kêu thì o gánh vào. Khách trong nhà ngồi thuởng thức ngay trước hiên , sau khoảng sân rộng. Tình làng nghĩa xóm càng đậm đà, khách ăn không ai xa lạ , mua bán giúp nhau.
 

 Tôi lại có dịp ghi nhớ cái gia tài, nói đúng hơn là chút vốn liếng  cỏn con của o lúc này .  Mấy cái chén nhỏ được úp trên cùng,  nhưng chúng là chén sành. Mấy cái muỗng cũng bằng sành, khum khum xếp một lớp với nhau. Múi chanh xanh vỏ, thơm thơm mát dịu. Trộn tan xong muỗng đường , chén đậu hũ chưa nguội. Vị đậu hũ nóng tan đều vào lưỡi, thoảng mùi thơm chanh tươi làm người ăn khoan khoái trong lòng!  Khách thuờng kêu thêm chén thứ hai nên hàng mau hết. Gánh hàng ít khi phải đi bán thật xa, từ đầu đến cuối phường  là hết. 
  Nói về gánh đậu hũ buổi chiều thì tôi phải nhắc đến gánh chè môn ban sáng của phường Đệ Tứ hồi đó. thằng Mẹo, xấp xỉ cùng lứa chúng tôi , chị hắn có gánh chè môn sáp có tiếng là ngon "trứ danh". Đó là nghe lời đồn thôi, chứ tôi chưa hề có cơ hội ăn. Tại sao mà tôi chưa ăn được chè môn của chị thằng bạn tôi nấu?   Nguyên cớ là do hàng ngày cứ sáng tinh mơ là chị đã gánh lên chợ Tỉnh rồi.  Vậy là khách ăn của chị đâu phải là người trong phường tôi, mà là dân trên phố .  Một buổi sáng sớm, đi ngang qua xóm thằng Mẹo, tôi có dịp thấy chị gánh hàng chè môn này lúp xúp ra khỏi con đường kiệt.  Những mâm chè môn màu lam nhạt, múc sẵn ra chén ,  chồng lên nhau từng lớp một .
  Giờ tôi xin trở lại gánh đậu hũ.  Chuyện ngạc nhiên , nghề nghiệp sinh nhai phường tôi hồi đó chẳng hề nghe chuyện "cạnh tranh" như thời nay. Trời hè nóng bức , chiều chiều là thấy gánh đậu. Tiếng là ăn nóng , nhưng khi ăn xong lại thấy mát mẻ, có thể do mồ hôi tháo ra bớt. Con nít hay ưa cà rem , nhưng trời hè càng ăn nước đá càng nóng, 
trong người không mát chút nào.
    O nhịp nhàng gánh, cái đòn gánh cong cong mềm mại bao ngày hằn lên vai .  Dù gánh đậu còn xa, tôi đã nhận ra O ngay.  Những thứ lớp
gọn gàng tinh tươm , trong từng ngăn gỗ. Những múi chanh cắt rất nhỏ, đến mức tôi không nghĩ rằng tôi cắt được. O tính toán chi ly để kiếm ra đồng lời. Tô đường cát trắng mịn, loại đắt tiền , o xúc thật khéo  bỏ vào trên từng chén đậu; không quá ngọt, mà cũng không lạt để khách phải nài thêm .  Thời sau này vi` người ta muốn cho nhanh  nên nước đường nấu sẵn, đen sì , tôi chẳng ưa chút nào !

  Quảng trị vào hạ, nắng Nam Lào gay gắt như đổ lửa. Một thời máy nước đá chưa nhiều trong thành phố nhỏ. Thật ra, những phường ngoại ô bà con ưa ăn đậu hũ hơn là những thau nước trà đá chanh đường như sau này. Vào nam tôi vẫn thấy người trong này làm đậu hũ; nhưng người làm đậu lại bỏ trong những song nhôm trắng xóa. Thế là nguội mất, không nóng bằng thứ đậu hũ gánh ngày xưa được nữa. 
 
  Ngày nay tuy đậu hũ không lạ gì với bà con bên quê nhà. Thế mà thiếu; thiếu là thiếu cái khung cảnh ngày đó. Thứ khung cảnh mà người ở trên hay cuối phường đều là bà con cố cựu, cùng sống, cùng lớn lên từ thời Pháp , thời đệ Nhất Cộng Hòa. Từ đầu đến cuối phường chưa tàn điếu thuốc, nhà nào cũng biết tên nhau, chẳng ai xa lạ.  

    Giờ thì hình ảnh gánh đậu hũ  ngày xưa lại lởn vởn hiện về trong trí nhớ tôi ... lúc o giở cái nắp gỗ tròn lên,  màu trắng tinh khôi của hũ đậu, như đám mây trời  dày đặc đang thu gọn lại bên trong. Tay o nhịp nhàng với xuống xớt từng vá đậu mong mỏng, mềm mại , vào từng cái chén sành nho nhỏ , xinh xinh, in hình rồng bay, hạc lượn. 
Một chút tưởng tượng, tôi hình dung cả một bầu trời mây trắng  đang quyện mình trong chén đậu vào một ngày hè ./.

Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

Huế Xưa - Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong

Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong (thường được gọi là Bia Quốc Học) toạ lạc sát bờ nam sông Hương, trước mặt trường Quốc Học, công trình này, trước đây, được xây dựng để tưởng niệm những binh sĩ người Pháp và người Việt ở Trung kỳ đã bỏ mạng vì sự nghiệp giúp nước Pháp đánh Đức trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 -1918).


Theo Nghị định của toà Khâm sứ Trung kỳ, ký ngày 24 tháng 7 năm 1919, một hội đồng gồm 12 người, do viên Khâm sứ làm chủ tịch đã được thành
lập để nghiên cứu đề ra các phương án, giải pháp, chọn địa điểm xây dựng...Và quyết định chọn khoảng đất trống bên bờ sông Hương, trước trường Quốc học với quan điểm được ghi rõ trong biên bản cuộc họp ngày 26 tháng 2 năm 1920: "Ngoài vấn đề kỷ niệm cần gìn giữ, tốt hơn nữa gợi được sự chú ý của của các thế hệ trẻ về tình đoàn kết chặt chẽ của người Pháp và người bản xứ trong đại chiến và sự hy sinh chung cho của họ cho nền văn minh và tiến bộ...".

Việc tổ chức thi thiết kế diễn ra từ ngày 10 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 năm 1920. Có bốn đề án dự thi, hội đồng chọn đồ án của tác giả Tôn Thất Sa, giáo viên trường Bá công Huế, với giải thưởng là 80 đồng. Đài được khởi công xây dựng ngày 12 tháng 5 năm 1920, kinh phí thi công đài tưởng niệm là gần 10.000 đồng, và hoàn thành ngày 18 tháng 9 cùng năm.  Lễ khánh thành được tổ chức trọng thể vào ngày 23 tháng 9 năm 1920 với sự có mặt của có vua Khải Định, các quan chức người Pháp và người Việt tham dự.

710_001



Về kiến trúc, kiểu dáng của đài tưởng niệm, hội đồng xây dựng đã thảo luận rất cẩn trọng, nhằm bảo đảm các yếu tố văn hoá truyền thống, hài hoà với môi trường, không gian kiến trúc của sông Hương, của Trường Quốc Học và các công trình kiến trúc đã có trong khu vực.

Theo ý kiến đề xuất của ông Nguyễn Đình Hoè, là thành viên của hội đồng, đài được xây dựng theo hình dáng là một bình phong lớn, có hai tầng, có mái che, xây trên nền hai bậc cấp, chính giữa có hình huy chương treo trên một cái kim khánh. Thân và bệ đài được trang trí theo các motip rồng, lân, chữ thọ (壽) cách điệu cùng đề tài khác như "mai, lan, cúc, trúc...Các hoạ tiết trang trí, kiến trúc, điêu khắc đều mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.


Trước đây, mặt trước thân đài có ghi tên 31 người Pháp và 78 người Việt ở Trung kỳ, sau này đã bị xoá, tuy nhiên đài vẫn được giữ lại vì nó thể hiện được nét đẹp truyền thống của kiến trúc Huế và hài hòa với cảnh quan của trường Quốc Học.


Công trình này có thể nhìn thấy rõ từ Kì Đài hay bến Nghinh Lương Đình bên này sông

68